Hiểu về cấu tạo da để chăm sóc da đúng cách

Thế giới này rộng lớn, có thể chúng ta không biết nhau, nhưng tôi chắc chắn rằng, khi bạn đã click vào Blog này, chúng ta chắc chắn có một mối quan tâm chung là: LÀM ĐẸP.

Với phụ nữ, làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu, và tôi nghĩ, điều cơ bản nhất khi bắt đầu quy trình phức tạp nhưng vô cùng tuyệt vời ấy là bạn phải hiểu rõ cấu tạo làn da của mình. Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về bài viết Hiểu về cấu tạo da để chăm sóc da đúng cách nhé! 

Mục Lục:

Cấu tạo của làn da chúng ta

Bạn đã biết mình thuộc làn da nào hay chưa?

1.1. Da thường

1.2. Da khô

1.3. Da dầu

1.4. Da hỗn hợp

1.5. Da nhạy cảm

Cấu tạo của làn da chúng ta

Để bạn hiểu cấu tạo của làn da (vốn là một thứ trừu tượng và nhàm chán), bạn có thể liên tưởng đến một ngôi nhà.

Tầng trên cùng của da được gọi là biểu bì, nó giống như mọi thứ bạn nhìn thấy ở một căn nhà từ mặt đất trở lên, cơ bản nó là một bức tường gạch. Cũng như phần này của ngôi nhà, biểu bì là nơi “hứng chịu” các ảnh hưởng của môi trường. Thẩm mỹ bôi ngoài da cũng tác động đầu tiên và nhiều nhất trên tầng này. Tầng biểu bì chịu trách nhiệm cho tình trạng ẩm hoặc khô, nứt nẻ, sần sùi của da, màu sắc cơ bản của da.

Dưới bức tường gạch đó là nền móng, bao gồm các loại cột trụ. Móng nhà có nhiệm vụ đỡ cho ngôi nhà của bạn không bị sập. Móng nhà càng chắc chắn, thì ngôi nhà càng khỏe và chúng ta càng có thể xây thêm nhiều tầng. Dưới tầng biểu bì của da là tầng hạ bì, có vai trò đệm cho da các va chạm, các áp lực và sự căng kéo. Hạ bì đồng thời giúp chống đỡ và tạo sự chắc chắn. Chiếm tỉ lệ lớn nhất ở hạ bì là các sợ protein ( collagen, elastin) và các sợi lưới.

Sẽ có nhiều vấn đề khởi sinh từ tầng hạ bì nhưng lại ảnh hưởng tới cả tầng biểu bì. Những vấn đề đó bao gồm: mụn, lượng dầu trên bề mặt da ( và việc mất câng bằng của da), các vết sẹo, vết rạn da…

Cuối cùng, dưới tầng hạ bì là tầng mỡ dưới da.

Tầng mỡ chiếm 50% lượng mỡ trong cơ thể của bạn. Vai trò của nó là đệm và cách nhiệt trong cơ thể, lưu trữ dinh dưỡng, máu và nước. Nó cũng có tác dụng “dính” phần da ở trên với cơ thể.

Là tầng ngoài cùng của da, biểu bì là nơi mỹ phẩm dễ “chạm” đến nhất. Khi tiếp xúc với mỹ phẩm, tầng biểu bì sẽ có diễn biến nhanh nhất. Các vấn đề của biểu bì như đã nêu ở trên (da khô, nứt nẻ, sần sùi, màu sắc của da) cũng sẽ có kết quả rất sớm. Lề mề đi sau là tầng hạ bì, nơi mỹ phẩm khó thẩm thấu, và kết quả không phải một sớm một chiều. Có nhiều vấn đề của tầng hạ bì mà điều trị bằng công nghệ sẽ khả quan hơn mỹ phẩm. Với tầng mỡ, các sản phẩm bôi ngoài da hầu như không có tác dụng, và tốt nhất bạn nên tìm một biện pháp xử lý không phải mỹ phẩm.

Một điều nữa về làn da mà các bạn nên biết đó là sự phân chia về các loại da. Thông thường, các chuyên gia sẽ phân chia thành: da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm. 5 loại da cơ bản này có những đặc tính riêng và tương đối dễ nhận biết. Chúng ta sẽ cùng đi xem xét từng loại da ngay bây giờ.

Bạn đã biết mình thuộc làn da nào hay chưa?

1.1. Da thường

Đây là loại da lý tưởng nhất trong các loại da cơ bản và ai cũng mong muốn được sở hữu làn da này. Da thường luôn ở trạng thái cân bằng, không quá nhờn cũng không quá khô với bề mặt láng mịn. Dù thỉnh thoảng có mụn nhưng về bản chất, da thường luôn ở trạng thái lý tưởng, khỏe mạnh. Trong thực tế, người có làn da thường khá ít.

1.2. Da khô

Chúng ta thường sẽ nhầm lẫn da khô với da thường trong 5 loại da cơ bản. Tuy nhiên, da khô không có trạng thái lý tưởng như da thường mà chúng thường tiết rất ít dầu khiến cho bề mặt kém láng mịn, có thể hơi sần sùi và hơi rát khi rửa mặt. Vào những ngày thời tiết hanh khô, bởi thiếu khả năng giữ ẩm tự nhiên nên da khô có thể bong tróc, nứt nẻ. Ưu điểm của da khô là lỗ chân lông nhỏ và hầu như không nổi mụn. Nhược điểm của chúng là nhanh xuất hiện những dấu hiệu lão hóa, nhất là nếp nhăn.

1.3. Da dầu

Trái ngược với da khô là da dầu và cũng là một trong các loại da cơ bản phổ biến nhất. Nếu da khô là do tiết dầu quá ít thì ngược lại, da dầu là do tiết dầu quá nhiều khiến cho da

luôn trong tình trạng bóng nhờn. Chúng thường khiến làn da có lỗ chân lông to và rất dễ bị mụn. Tuổi vị thành niên và nam giới rất hay có loại da này. Tuy nhiên, chúng có một ưu điểm rất lớn là lâu xuất hiện các nếp nhăn hoặc các dấu hiệu lão hóa khác.

1.4. Da hỗn hợp

Trong các loại da cơ bản, người có làn da hỗn hợp chiếm số lượng đông nhất, đặc biệt là ở nữ giới. Thông thường chúng ta sẽ gặp tình trạng hai bên má da khô, còn vùng chữ T là da nhờn. Điều này khiến cho hai bên mũi dễ bị mụn và lỗ chân lông to, trong khi đó hai bên má thì da lại sần sùi thô ráp vì thiếu nước và thiếu dầu.

1.5. Da nhạy cảm

Da nhạy cảm là loại da “đỏng đảnh” nhất trong số 5 loại da cơ bản. Loại da này dễ khô căng và phản ứng mạnh mẽ với sự thay đổi của môi trường xung quanh hoặc các loại mỹ phẩm. Nếu bạn dùng mỹ phẩm và thấy các dấu hiệu như rát, châm chích, ngứa, đỏ… thì rất có thể da bạn thuộc loại da nhạy cảm. Đây là loại da rất khó chăm sóc.

Hiểu về làn da của chính mình sẽ giúp bạn lựa chọn được các sản phẩm chăm sóc gia phù hợp nhất, không còn phải băn khoăn trong hàng tá loại mỹ phẩm trên thị trường hiện nay.

Nguồn: Dưỡng da trọn gói – Đỗ Anh Thư, Phạm Hương Thủy, nhà xuất bản Nhã Nam

Viết bình luận